BÀI CẢM NHẬN CHUYẾN ĐI VỀ NGUỒN TẠI CÔN ĐẢO - 2017
“Khổ đau cũng như hoa quả. Chúa không khiến nó mọc lên trên những cành quá yếu ớt để chịu nổi nó”.
(Victor Hugo)
Lệ thường niên, chuyến đi Về nguồn của Chi bộ Khoa Tài chính, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM năm 2017 được thực hiện từ Sài Gòn trong cái nắng tháng 4 rát bỏng da người để hướng về Côn Đảo, mảnh đất của câu chuyện về những con người bóng hình đã khuất dạng sau những rặng dương, mà lá vẫn hằng ngày rì rào nhắc nhở cho biết bao lớp hậu nhân phần anh linh của họ.
Khoa Tài chính tại Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo
Poulo Condor - Lửa thử vàng
7h30 sáng, mọi người đã tề tựu đầy đủ tại sân bay. Gần 30 con người, vẫn là những câu hỏi thăm, những mẫu chuyện trò đầy thân tình của những thành viên như người một nhà. Truyền thống của Khoa là vậy, ước mong sao mãi sau vẫn vậy. Không khí rộn ràng, hứng khởi cho một chuyến đi hấp dẫn như ở khắp mọi nơi, đơm những nụ cười hào sảng, lộng vang có, ý nhị, kín đáo có, trên những khuôn mặt thương yêu.
Đường băng Tân Sơn Nhất ở lại phía sau, chiếc ATR72 đưa chúng tôi rời Sài Gòn để đi Côn Đảo trong cái nắng sắp sửa oi nồng của tháng đầu hè. Nhìn từ khung cửa sổ, bất giác chợt nghĩ, núi sông mình đẹp thật, đẹp từ đất từ cửa từ nhà, đẹp đến sông đến biển đến cả mây trời, đảo vịnh. Một cái đẹp không hào nhoáng phô trương, nhưng hiền hòa dễ chịu. Chuyến bay không quá dài, nhưng vẫn đủ để lòng chúng tôi cứ dậy lên câu hỏi, bao nhiêu lớp dân Việt đã dùng chính xương thịt của mình để đắp bồi lên dải đất này? Bao nhiêu vậy?
Đường ven biển Côn Đảo
Phi trường Côn Sơn đón đoàn chúng tôi bằng cơn nắng pha chút gió có lẫn mùi biển. Sân bay nhỏ, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi. Anh hướng dẫn viên đón đoàn thật niềm nở. Chút bất ngờ với chất giọng Thanh Hóa của anh, chợt nghĩ lại, dân Việt sống ở đất Việt, chi đâu mà lạ? Lại thôi. Kiến thức của anh về Côn Đảo đủ làm khách đến thăm hài lòng. Hồi dân Việt chưa vào nam, các tộc người Nam Đảo sống và gọi nơi đây là Pulau Kundur, rồi người Âu Châu lại phiên âm thành Poulo Condor, rốt cuộc người Việt thích đơn âm nên gọi là Côn Đảo.
Sau bữa cơm trưa, cả đoàn bắt đầu đi thăm các di tích lịch sử trên đảo. Anh hướng dẫn viên bảo, khách sạn đoàn ở rất đặc biệt, vì có một cổng đối diện với di tích nhà tù. Cách nói hóm hỉnh nhưng đủ để tạo ấn tượng. Ngày trước, có lẽ ở Côn Đảo, chỗ đất nào bằng phẳng thì chắc đều được dùng để xây nhà tù. Thuyết minh viên của cụm di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo lần lượt dẫn cả đoàn tham quan khu trại. Quả thật, cụm từ “Địa ngục trần gian” dành cho hòn đảo xanh ngắt cỏ cây này là không hề khoa trương chút nào.
Nhà tù Côn Đảo
Trại Phú Hải, hệ thống chuồng cọp kiểu Pháp, kiểu Mỹ đã sắp bày trước mắt chúng tôi bằng chứng rõ ràng về sự khốc liệt của chiến tranh, về sự chịu đựng không bến bờ giới hạn của những con người mà trong họ niềm tin chính nghĩa đã quá vững vàng. Anh kể, hơn 100 con người ngồi chen chúc trong một gian phòng chật hẹp, bí khí, tối tăm, chân bị cùm, những nhu cầu cơ bản bị giới hạn đến mức tận cùng. Buồng xay thóc giết dần giết mòn người ta bằng chứng lao phổi không cách chi chạy chữa. Mỉa mai thay, xà lim, phòng biệt giam, khu đập đá, chồng cọp được con người thiết kế để thử thách những giới hạn sinh học của chính con người. Nói chi đến chuyện nhân quyền bị vi phạm, ngay cả ‘thú quyền” họ cũng chẳng ngó ngàng. Thử hỏi, lúc đó, ở xứ sở văn minh của họ, một con cún được đi vệ sinh mấy lần một ngày? Hỡi ôi, con người với con người. Đắng chát.
Cái nắng, cái mưa, cái ngược đãi của thời tiết cũng có thể biến thành những thứ để quật ngã con người. Chuồng “cọp” để giam “con người”, xây nhà không làm nóc để rồi tống tù nhân vào đó mà hứng nắng chịu mưa, dựng bệnh xá để bệnh nhân nằm chờ chết hay cố tình cho uống nhầm thuốc, cho nước ngọt chảy tràn lan bên ngoài buồng giam để người tù ngồi bên trong nhìn ra mà khát thèm…. Ngược đời, vô số chuyện ngược đời, trái lý nghịch thiên đến mức không giải thích nổi đã từng xảy ra trên mảnh đất này. Để làm gì?, để “cải huấn” những con người mang trong mình cái “tội” là đã quá yêu thương đất nước và giống nòi.
Chuồng cọp Côn Đảo
Phũ phàng thay, không hẳn họ đã thất bại hoàn toàn. Chế độ nhà tù tàn bạo này đã cướp đi sinh mạng của 20.000 người, và tàn bạo đến mức tột cùng khi họ san phẳng và đẩy thẳng những nấm mồ này ra biển xa. Đâu phải họ không hiểu cái văn hóa “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt mình. Họ hiểu chứ, vì họ hiểu nên họ mới muốn nhổ tận gốc.
Dù nắng hay mưa, dù Côn Đảo đón cái lạnh lẽo của phong ba từ biển hay cái nắng ấm từ trời, hằng ngày, hàng dương vẫn xào xạt lá, nhẫn nại. Gió ngừng thổi, lá ngừng lay, rồi con người ta sẽ quên đi cái bãi cát dưới hàng dương ấy. Lá từng chứng kiến xe ủi của những con người xa lạ kia làm gì, nhưng lá cũng sẽ không quên lời hứa của mình.
“… Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người …”
(Trịnh Công Sơn)
Muốn xem tuổi vàng thì phải thử vàng bằng lửa, ngọn lửa càng cao độ chừng nào thì tuổi vàng càng rõ chừng ấy. Vàng được lửa đốt thì mới định được giá trị của nó. Sự can trường của những người cộng sản cũng vậy. Xây nhà tù trên Côn Đảo, những kẻ hung tàn có biết rằng họ đã vô tình mở một ngôi trường vô hình đào tạo những người cách mạng nơi đây hay không? Rõ ràng, cái sai trái này lẩn quẩn trói buộc cái sai trái khác. Khâm phục, xót lòng cho những người cộng sản bị đọa đày nơi đây, và, cũng đáng thương cho cả những người bên kia chiến tuyến. Ý tưởng xây nhà tù, có lẽ, họ đã sai ngay từ đầu.
Côn Đảo – Đâu chỉ có cái hữu hình
Mộ chị Võ Thị Sáu
Đến Côn Đảo, không ai không được nhắc đến về con người và câu chuyện của chị Võ Thị Sáu, một người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nhưng anh hùng, và quả thật mà nói, chị đã trở thành một vị thần đầy linh hiển của mảnh đất này. Sự tin tưởng vào chị được thể hiện một cách rõ nét từ những hành động nhỏ nhất của người dân nơi đây. Anh tài xế để bức hình chân dung chị một cách trang trọng bên cạnh tay lái, những câu chuyện râm ran nửa hư nửa thực về chị, giọng kể đầy tự hào và tin tưởng của anh hướng dẫn viên, … Tất cả họ, đều xem chị như một đấng quyền năng có thể bảo vệ cho họ, về mọi mặt. Một niềm tin chân thành, thực lòng, không một chút mảy may giả dối theo kiểu tạo ấn tượng với khách nhằm marketing cho hoạt động du lịch. Rất thực, ở người dân nơi đảo này và từ những miền khác nữa, họ đều tin tưởng rất thực tâm vào chị, người đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Tâm linh là điều không dễ dể giải thích, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại.
Khách du lịch đến với Côn Đảo, chỉ để tắm biển, để ăn hải sản, để ngao du sơn thủy, có lẽ là không nhiều. Mình tin vậy.
Khoa Tài chính thăm Chùa Vân Sơn – Côn Đảo
Trở về
“Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất. Một dân tộc nguyện cầu cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, khi mà dân tộc đó bị chiến tranh giày xéo dữ dội nhất”.
(Khuyết danh)
Từ khung cửa sổ của chiếc ATR72, chúng tôi nói lời tạm biệt Côn Đảo, hòn đảo xinh đẹp vây quanh bởi vùng nước trong vắt và chứa đựng nhiều điều ý nghĩa. Kết thúc một chuyến đi luôn mở ra cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Đi Côn Đảo chúng tôi mới biết chuồng cọp, xà lim, phòng biệt giam, sở lò vôi, sở muối là gì; đi Côn Đảo chúng tôi mới biết biển núi mây trời Côn Đảo đẹp ra sao; và hơn hết, đi Côn Đảo chúng tôi mới biết con người Việt Nam kỳ diệu đến nhường nào.
Sài Gòn, 26/04/2017
Người viết: Quốc Khiêm