LẼ NHẬN CHO
Những cảm nhận nhân chuyến đi Về nguồn tại Rừng Sác của Chi bộ khoa Tài chính
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
Gian khổ sẽ giành phần ai?”
(Trần Long Ẩn)
Hành trang cho chuyến đi Về nguồn cùng Chi bộ Khoa Tài chính về thăm khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác − Cần Giờ của mình là một chiếc ba lô nhỏ với vài món đồ lặt vặt, là một sự háo hức của cái tuổi đã hết trẻ nhưng cũng chưa gọi là già, là một bài hát nhẹ nhàng nhưng đủ để cảm của bác Ẩn, và là một cơn mưa rào gột sạch bầu trời cho buổi sớm mai hửng nắng.
Như một thói quen được định sẵn, mọi chuyến đi của Đoàn đều bắt đầu bằng những câu chào hỏi thâm tình trước giờ lên xe, bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng hết mực cảm động của ban hậu cần, và đặc biệt là sự rộn rã nói cười của gần năm mươi con người với cùng chung mục đích cho một chuyến đi ý nghĩa. Trẻ nhỏ có, thanh niên có, bậc trưởng thượng có, hồ hởi khi đoàn xe chính thức lăn bánh hướng về miền đất cực nam của thành phố. Nép bên một hàng ghế, đủ để chúng tôi có thể quan sát mọi người và cảm nhận một cách vẹn tròn cảm xúc của cả chuyến đi. Phà Bình Khánh như xích lại gần vạch xuất phát hơn, giống như mọi người như xích gần lại nhau hơn sau mỗi chuyến đi. Đi phà sớm, dòng sông Lòng Tàu – nơi gắn liền với bao huyền thoại về những chiến công lừng lẫy của Đặc công Rừng Sác - phẳng lặng hiền hòa phả gió mời khách đến thăm mảnh đất vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi bên rìa đô thành náo nhiệt . Đặt chân lên bờ, miền đất của những con người đã từng đẩy hai chữ nhẹ nhàng về phía mọi người và ôm cả khổ nguy về phần mình đón khách bằng những tia nắng vàng rực – món quà ấm áp mà không phải hễ giàu là có.
|
Chi bộ khoa Tài chính trong chuyển Về nguồn tại khu di tích lịch sử Rừng Sác tháng 7/2016 |
Xe tiếp tục lăn bánh về lại chiến khu xưa. Đảo Khỉ là điểm dừng chân đầu tiên. Quãng đường ngắn chỉ non vài trăm mét nhưng cũng khiến chân du khách ngập ngừng vì sự dạn dĩ đến bất ngờ của những chú khỉ đã quá quen đường đi lối bước nơi đây. Khỉ nhiều và táo tợn, khiến mình có cảm giác mọi người đang đến thăm nhà chúng, chứ không phải con người bắt chúng đến nơi đây để phục vụ cho mình. Kể cũng lạ! Bỗng nghĩ, bầu trời trong vắt thanh bình không một bóng máy bay quần thảo trên đầu bây giờ có đang giúp những con khỉ ấy bình thản và tự nhiên chơi trò bỡn cợt du khách hay không? Hòa bình, lúc nào cũng quý, kể cả, với loài vật.
Buổi cơm trưa được nấu bày bởi tấm thịnh tình của những con người miền biển đủ làm chắc lòng du khách trước khi hướng về điểm tham quan chính − Chiến khu Rừng Sác. Từng đoàn ca nô chở cả đoàn men theo những con lạch nhỏ núp bóng dưới những tán rừng đước để vào thăm điểm tham quan. Vừa bước chân từ ca nô lên những sàn gỗ được ghép từ những thân cây đước được bóc vỏ cẩn thận, một tượng đài sừng sững nghi ngút khói hương nghiêm tĩnh xuất hiện. Một sự sắp đặt lối đi thật khéo, và đủ đầy ý nghĩa. Sự tri ân luôn là khởi đầu tốt cho mọi suy nghĩ, bước đi và con đường. Tán lá che khuất dần ánh nắng mặt trời rọi xuống nơi đây, làm không gian càng trở nên trầm mặc và nghiêm trang. Những nén hương được thành tâm chuyền đến tay từng người. Khói nhang càng nghi ngút hơn, làm nhòa đi ranh giới vốn dĩ mong manh giữa cái hữu hình và vô hình.
“Anh Tư à, hậu nhân không bao giờ quên chúng ta đâu, tin tui đi …”
Gió cứ mãi xào xạt, khẽ khàng, nhẹ nhàng nhưng nghe chừng như da diết lắm. Giọng nói đặc sệt miền Cần Giờ pha chút miền Nhà Bè của anh thuyết minh viên cất lên như cuốn chúng tôi về với thực tại. Thực tại tiếp sau đó là một chuỗi dài sự ngưỡng mộ cho cuộc sống với bao gian khổ, hiểm nguy của những chiến sỹ đã từng đến, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Thời mà chiến tranh hãy còn mỏi mòn chơi trò bom đạn, những người thanh niên trạc tuổi những bạn trẻ trong đoàn bây giờ, đã bỏ lại sau lưng hai chữ nhẹ nhàng, đi về phía hai chữ gian khổ một cách tràn đầy niềm tin, rằng họ, bằng không thì các thế hệ sau này, cũng sẽ nối tiếp họ để đất nước thống nhất, để niềm vui trọn vẹn, vì điều mà họ tin là chính nghĩa.
Đến đây, chúng tôi cảm nhận một cách mạnh mẽ sự đúng đắn của câu “Cái khó ló cái khôn”. Ông cha mình ngày trước hay quá, thông minh vô cùng. Hứng nước mưa từ thân cây đước vào mùa mưa, nấu nước mặn vào mùa khô để lấy nước. Thật đúng là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, những cây đước nơi đây đã “hy sinh” mình để chở che cho các anh bộ đội, dùng vỏ cây đước là củi đun lên sẽ không có khói. Cỏ cây đến khi chết rồi vẫn gắng bảo bọc con người. Cảm động nhất là mẫu chuyện về cô y sĩ (mà mình vội quên mất tên, thật đáng trách) đã cứu sống biết bao con người để rồi ba ngày sau khi nằm xuống mảnh đất sình lầy này, xác thân mẹ cha ban cho của cô chỉ còn lại cái tóc, cái răng, vì cá dữ. Với mình, sự hy sinh này đã đến mức tận cùng. Và nhiều, thật nhiều sự hy sinh, sự thiệt thòi khác nữa như hiển hiện trước mắt trong một khoảng không gian không quá rộng này.
Những chiến sỹ Huyền thoại Đoàn 10, đặc công Rừng Sác Rừng Sác
Len lỏi trên kênh rạch giữa những hàng cây mắm, đước, bần chằng chịt, chúng tôi dừng lại cúi mình thắp nén nhang thơm trước tượng đài cao vời vợi giữa rừng – ghi dấu những chiến công của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác – để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng đã quên thân vì Tổ quốc. Nhìn tấm biển đồng ghi rõ “Nơi đây, đã có 860 chiến sĩ đặc công hy sinh”, tự nhiên chúng tôi cảm thấy mình trở nên quá nhỏ bé. Một cái gì như day dứt, pha một chút tiếc nuối, ân hận khi nghĩ lại những việc mình làm trong mấy chục năm qua chưa thấm vào đâu so với sự hy sinh thầm lặng và quá đỗi oanh liệt của hàng ngàn các anh, các chị ở sình lầy và ngập mặn này. Tiếng người thuyết minh cứ rỉ rả như kể chuyện: “Khu rừng này nổi tiếng có các loại cá sấu dữ dằn. Cá sấu Rừng Sác quen mùi, cứ nghe tiếng súng nổ là lao vào tìm mồi...
Bên tượng đài Đặc công Rừng Sác
Những đoàn ca nô lại cần mẫn đưa du khách len qua những con lạch để ra khỏi rừng đước. Bỏ lại sau lưng là những vạt rừng, những mảnh chuyện đời, chuyện chiến đấu chưa bút viết nào kể hết, những hi sinh thầm lặng của những người con khắp 34 tỉnh thành trên dải đất gầy gò quen mùi chiến tranh hơn vị hòa bình này, du khách trở về thành phố. Có thể mỗi người sẽ có một cảm xúc riêng sau chuyến đi này, nhưng nếu lắng lòng một chút, chắc chắn đều nghiêng mình tri
ân những mất mát, hy sinh vô cùng lớn lao của các anh hùng liệt sỹ để đất nước có được như hôm nay. Ở một chừng mực đổi trao khập khiễng nào đó, đun một nồi nước biển chát lừ trong rừng để uống khi bom đạn có thể dội xuống đầu bất cứ lúc nào, để đổi lấy một chuyến đi vui vẻ an bình như thế này, thì, quả thật, một nén nhang, một chút lặng lòng, đôi ba dòng cảm xúc thế này cũng chỉ là muối bỏ bể mà thôi. Cuối cùng, xin mượn lời Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đến thành phố mà chưa đi tham quan Rừng Sác - Cần Giờ thì... kể như còn thiếu chừng 40%!”
Cần Giờ, ngày 07/07/2016
Người viết: Quốc Khiêm