TRỤ SỞ CHÍNH

  • Lầu 1,Nhà hiệu bộ, 56 Hoàng Diệu 2, P. Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TP. HCM
  • (028) 38.971.631

THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ “PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN E-LEARNING”

THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ

“PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN E-LEARNING”

Với xu hướng sử dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến trong thời gian qua, Chi bộ Khoa Tài chính đã tổ chức buổi Hội thảo với Chuyên đề “Phương pháp giảng dạy trực tuyến E-Learning” vào ngày 13 tháng 5 năm 2020, nhằm tổng kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy online được áp dụng trong học kỳ 2 năm học 2019-2020, cũng như đưa ra các kiến nghị cho Nhà trường để phát huy tính tích cực và nhằm cải thiện phương pháp giảng dạy mới này.

Mở đầu buổi thảo luận, đại diện ba bộ môn thuộc Khoa lần lượt trình bày bài tham luận.

1. Bài tham luận: “Báo cáo về kết quả sử dụng hệ thống LMS-BUH và dạy online qua Zoom, Google Meet trong Học kỳ 2 - Năm học 2019 - 2020”, người trình bày: ThS. Triệu Kim Lanh - Bộ môn Tài chính Tiền tệ.

Bài tham luận gồm có 3 phần:

Phần 1: Quá trình chuẩn bị cho việc dạy online và trên hệ thống LMS-BUH: GV đưa ra các bước chuẩn bị cho một buổi giảng dạy trực tuyến như: đưa thông tin lên trang site, hệ thống LMS-BUH; soạn thêm slides bài giảng có hiệu ứng hiển thị và chuẩn bị sẵn kịch bản khi giảng đi kèm với các slides đó; nhắn password buổi học hôm đó trên LMS-BUH trước khi bắt đầu học 5 phút (Zoom) hoặc mời (invite) sinh viên tham gia lớp học online qua Google Meet trước khi bắt đầu buổi học 15 phút; sau buổi giảng, biên tập lại video đã ghi và tải lên hệ thống LMS-BUH để sinh viên có thể xem và ôn bài lại bất cứ lúc nào; thường xuyên kiểm tra email, FORUM, tin nhắn trên LMS-BUH để kịp thời hỗ trợ sinh viên.

Phần 2: Thực tế đã áp dụng tại các lớp học phần: GV trình bày một số vấn đề phát sinh liên quan đến thực tế buổi giảng, cách thức tương tác online với sinh viên và thực hiện bài kiểm tra trên hệ thống LMS-BUH; từ đó chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra sau khi kiểm tra: nên lưu ý tới điều kiện, môi trường của người học online (điều kiện hạ tầng như điện, mạng internet; thiết bị khi tham gia học online); nếu áp dụng đồng thời hình thức kiểm tra trắc nghiệm và tự luận trên hệ thống LMS-BUH thì nên tiến hành kiểm tra tự luận trước sau đó mới thực hiện kiểm tra trắc nghiệm, và lưu ý về khoảng cách thời gian cài đặt trên hệ thống.

Phần 3: Một số vấn đề cần trao đổi thêm về dạy online và hệ thống LMS-BUH.

2. Bài tham luận: “Hiệu quả sử dụng E-learning tại trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh”, người trình bày: TS. Trần Nguyễn Minh Hải - Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp.

Tác giả nêu lên cơ sở lý thuyết về E-learning, trong đó có Mô hình đánh giá thông tin và Mô hình đánh giá hiệu quả sử dụng E-learning. Tác giả xây dựng các giả thuyết nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng của E-learning bao gồm các yếu tố: hiệu quả sử dụng máy tính, sự hữu ích, sự hiện diện tính xã hội, sự tương tác.

Tác giả tiến hành khảo sát 107 sinh viên BUH từ 08/5/2020 - 11/5/2020, bảng câu hỏi được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ, có 24 học phần được đánh giá (trong đó: có 8 học phần thuộc Khoa Tài chính và 16 học phần thuộc các Khoa và Bộ môn khác trong trường). Sau khi phân tích định lượng bằng các mô hình cần thiết, kết quả đạt được của bài tham luận như sau: các yếu tố hiệu quả sử dụng máy tính, sự hữu ích, sự hiện diện tính xã hội, sự tương tác ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả của E-learning tại BUH.


Dựa trên kết quả khảo sát sinh viên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau: áp dụng phương pháp học tập kết hợp; chú trọng giới thiệu ý nghĩa của môn học; đa dạng hóa hình thức truyền thông đa phương tiện; có các biện pháp khuyến khích sinh viên tích cực thảo luận; giảng viên phản hồi nhanh chóng cho sinh viên; tạo môi trường học tập lành mạnh, tôn trọng, hợp tác, tin cậy, chu đáo, hòa đồng.

3. Bài tham luận: “Kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến”, người trình bày: ThS. Ngô Sĩ Nam - Bộ môn Đầu tư Tài chính.

Bài tham luận gồm có các phần:

Phần 1: Cơ sở về mặt hạ tầng (công nghệ) để giảng dạy trực tuyến: GV trình bày về các công cụ hỗ trợ và các tài liệu cần thiết để giảng dạy: Video/bài giảng/kiểm tra (LMS), live (Meet google/ Zoom, Teams…), phương tiện giảng dạy/học tập, chất lượng đường truyền, không gian giảng dạy/học tập, cơ sở kiểm tra/đánh giá trực tuyến

Phần 2: Sự chuẩn bị của người dạy về nội dung giảng dạy online/truyền thống; giám sát/quản lí lớp học; tương tác với người học trên lớp (trao đổi/bài tập…); tương tác với người học ngoài giờ học trên lớp; đánh giá người học

Phần 3: Sự chuẩn bị từ phía người học để học trực tuyến như: đọc trước bài giảng, hoàn thành bài tập của giảng viên gửi; cập nhật lịch giảng và tự hệ thống nội dung học để kiểm tra online; tự giác học và ôn tập tại nhà; thường xuyên tương tác với người dạy trong suốt quá trình học

Phần 4: Ý kiến của người học về giảng dạy online: GV trao đổi, khảo sát trực tiếp với sv về việc Đồng ý hay Không đồng ý với phương pháp giảng dạy online

Phần 5: Kết luận chung: GV nêu quan điểm về việc triển khai học tập online là tất yếu và trao đổi nên triển khai như thế nào để dạy và học trực tuyến được hiệu quả?

Sau khi nghe phần trình bày tham luận, cán bộ và giảng viên trong khoa đã trao đổi và kiến nghị các giải pháp để phát triển phương pháp giảng dạy trực tuyến như sau:

Về phía Nhà trường: Nhà trường nên tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn để GV có thể cập nhật thêm nhiều phần mềm hỗ trợ và thao tác tốt hơn trên các phần mềm đó để phục vụ tốt hơn cho việc giảng dạy trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường nên quan tâm đến chất lượng giảng dạy của giáo viên và phản hồi, cảm nhận của sinh viên, nêu gương các giảng viên được phản hồi tốt để truyền đạt, cập nhật, trao đổi cách giảng dạy với các giảng viên còn lại. Bên cạnh đó, nên mua bản quyền phần mềm Zoom để không giới hạn thời gian học trực tuyến và đường truyền ổn định hơn, tăng tính bảo mật đối với tài khoản của GV và SV.

Về phía Giảng viên: Cần tạo không khí sôi nổi cho lớp học như tổ chức minigame đầu buổi, khuyến khích cộng điểm cho SV trả lời đúng. Phân bổ nội dung học của từng buổi hợp lý hơn, hôm nào kiến thức khó nên giảm lưu lượng bài vì học online khó tiếp thu hơn học tập trung.

Bài, ảnh: Chi bộ Khoa Tài chính

KHOA TÀI CHÍNH

Liên hệ

  • TRỤ SỞ CHÍNH

    Lầu 1,Nhà hiệu bộ, 56 Hoàng Diệu 2, P. Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TP. HCM

    (028) 38.971.631

    khoatc@hub.edu.vn

Liên kết mạng xã hội

Facebook Page

kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE